Hơn 40 năm ấy cũng chính là khoảng thời gian ghi dấu sự đóng góp và cống hiến hết sức mình của vị “thuyền trưởng” – người đứng mũi chịu sào – người đã chèo lái đưa con thuyền “Đầu trâu Bình Điền” vượt qua biết bao gian nan thử thách, liên tiếp chinh phục nhiều đỉnh vinh quang mà không phải bất cứ một thương hiệu nào cũng có thể dễ dàng đạt được. Vị thuyền trưởng ấy chính là Tổng Giám đốc Lê Quốc Phong.
Thực tế cho thấy, sau hơn 40 năm thành lập và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Lê Quốc Phong, đến nay, Công ty PB Bình Điền với thương hiệu Đầu Trâu đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất phân bón của cả nước về năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nếu như ngày thành lập, Bình Điền chỉ có vài sản phẩm, thì đến nay công ty đã có hàng trăm chủng loại sản phẩm phân bón phục vụ các loại cây trồng với từng vùng đất khác nhau. Công ty cũng đã thành lập riêng một Hội đồng Cố vấn về khoa học kỹ thuật với sự tham gia của các giáo sư tiến sỹ hàng đầu trong lĩnh vực phân bón và cây trồng. Sản lượng của công ty từ 10 tấn phân NPK ngày nào, giờ đã lên đến hơn 700 ngàn tấn phân bón các loại/năm, chiếm lĩnh không chỉ thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường các nước khu vực Asean như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Lào và Myanmar…
Để chinh phục thị trường các nước khu vực Asean, hiện nay Bình Điền cung cấp 85% sản phẩm cho thị trường trong nước, đồng thời dành 15% còn lại cho thị trường ngoài nước. Và điều quan trọng đó đã giúp cho sản phẩm phân bón của Bình Điền với logo hình Đầu Trâu vốn từ lâu đã quen thuộc với bà con nông dân trong nước, thì giờ cũng bắt đầu trở nên thân quen với bà con nông dân ở nhiều vùng miền của các quốc gia trên thế giới. Thành công ấy thực sự cũng đã thấm đẫm biết bao mồ hôi và công sức của Lê Quốc Phong trong quá trình bôn ba chinh phục thị trường ở những miền đất mới…
Nhắc đến Bình Điền người ta cũng thường liên tưởng đến những hoạt động hỗ trợ cộng đồng thiên về nông nghiệp nông thôn như bảo trợ phong trào tôn vinh nhà nông, cùng nông dân làm giàu, tổ chức đưa nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở các nước có nền nông nghiệp phát triển… Cao đẹp hơn, đáng quý hơn là Bình Điền còn được liên tưởng, được gắn kết, nhắc đến với những chương trình thiện tâm mang tính chất nhân văn, thấm đẫm nghĩa tình, như “Tiếp sức đến trường” (hỗ trợ cho các tân sinh viên nghèo có đủ kinh phí bước vào giảng đường đại học), hay chương trình kết nghĩa với bà con dân tộc các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ, giúp đỡ những vùng quê xa xôi hẻo lánh sớm thoát nghèo để đổi thịt thay da, vươn lên làm ăn khấm khá…
Tất cả những việc làm tình nghĩa ấy được Lê Quốc Phong lý giải đó là sự “san sẻ với cuộc đời”, với cộng đồng xã hội. “Mình làm phân bón, thành công được là nhờ người nông dân. Tất cả sự nghiệp của Bình Điền có được ngày hôm nay là từ người nông dân. Vì thế hãy tái phân bổ lại cho chính những bà con nông dân chân chất thật thà những gì có thể, dù là lợi ích vật chất hay giá trị tinh thần ” – anh nói. Cũng theo Lê Quốc Phong, việc xây dựng phong trào “Cánh đồng mẫu lớn”, phát bản tin tư vấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng miễn phí, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, hay trao tặng “Mái ấm Bình Điền” cho các gia đình chính sách… Tất cả cũng chỉ là những phần việc cần phải làm để đáp lại tấm lòng của bà con nông dân.
Đôi lúc chuyện trò, nhìn ngẫm lại những chặng đường đã qua, Lê Quốc Phong có cảm giác nghề nông đã đến với anh như thể là duyên số. Có những điều mình không chọn nhưng lại cứ theo mình mãi, rồi thành nghề, thành nghiệp. Ai có thể ngờ rằng một chàng sinh viên học văn khoa, cuối cùng ra trường cả đời lại gắn bó với nghề phân bón, với nông dân. “Cứ mỗi khi đi về miền Tây, qua những chuyến phà, có người nông dân nhận ra mình và gọi mình là “Phong Đầu Trâu”, mình không giận mà lại cảm thấy rất vui, rất tự hào và hạnh phúc biết bao vì điều ấy…” – anh chia sẻ.
Ngắm nhìn và lắng nghe Lê Quốc Phong, bằng chất giọng nam trung khỏe khoắn, ấm trầm tha thiết, cầm micro hát bài “Đôi chân trần” (do nhạc sĩ Y Phôn K”Sor sáng tác) ca ngợi sự hy sinh cao cả của người cha một đời lam lũ chắt chiu cho các con ăn học thành tài, trong chương trình “Tiếp sức đến trường” mà tôi có dịp được tham gia, tôi thật sự cảm động. Và càng cảm động hơn khi nhìn hình ảnh các em tân sinh viên nghèo nước mắt tràn mi ôm những bó hoa tươi thắm ùa lên sân khấu tặng cho anh… Dưới khán phòng hôm đó, không chỉ tôi mà nhiều người cũng đã rơi nước mắt…
Hình ảnh đáng trân trọng đó cũng đã giúp cho tôi hiểu sâu sắc vì sao mà Lê Quốc Phong không chỉ được tôn vinh là một doanh nhân tài năng, một nhà quản lý doanh nghiệp giỏi, nhiều kinh nghiệm, mà anh còn được tôn vinh là một biểu tượng điển hình cho phong cách doanh nhân thời hiện đại, là biểu tượng điển hình cho bản sắc văn hóa tốt đẹp của tầng lớp doanh nhân Việt Nam hiện nay. Anh cũng chính là người đã được Hội Doanh nhân Việt Nam trao “Biểu tượng Vàng vì sự nghiệp văn hóa doanh nhân Việt Nam”.
Nguyễn Thu Tuyết (Báo NTNN Xuân Giáp Ngọ 2014)