Phân bón cho cây trồng có 3 dạng: phân bón đa lượng (đạm, lân, kali), phân bón trung lượng (canxi, magiê, lưu huỳnh) và phân bón vi lượng (Kẽm, sắt, đồng, mangan, bo, molypđen, clo, silic…).
Trước kia, khi trình độ canh tác còn lạc hậu, năng suất cây trồng thấp thì các nguyên tố dinh dưỡng hạn chế năng suất cây trồng chính là các nguyên tố đa lượng. Ở nước ta trong vài thập kỷ qua, phân đạm, lân và kali đã đóng góp vai trò to lớn trong việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, ngày nay khi chúng ta đã sử dụng đầy đủ và cân đối đạm, lân, kali thì những yếu tố hạn chế năng suất cây trồng là các nguyên tố trung lượng, vi lượng. Do trước đây năng suất cây trồng thấp, cây sử dụng ít các chất trung, vi lượng, và trong đất còn có một lượng dự trữ đáng kể các chất trung và vi lượng. Tuy nhiên khi năng suất cây trồng cao, cây sử dụng ngày càng nhiều trung, vi lượng hơn nhưng do không được bón bổ sung nên trong đất ngày càng cạn kiệt và dẫn đến thiếu hụt, năng suất cây trồng không thể tăng lên mà còn giảm đi mặc dù lượng bón phân đạm, lân và kali ngày càng tăng.
Ngày nay, tình trạng thiếu hụt các chất dinh dưỡng trung và vi lượng diễn ra ở hầu hết các loại cây ở nước ta như lúa, cà phê, điều, tiêu, mía, đậu phộng, cây có múi, xoài, chanh dây, mãng cầu, dưa hấu, ớt, rau màu, hoa, cây cảnh… và diễn ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Đất Việt Nam hầu hết là chua, nghèo hữu cơ và dinh dưỡng (kể cả đa, trung và vi lượng). Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho năng suất và chất lượng cây trồng thấp. Trong thực tế, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy triệu chứng thiếu hụt canxi, magiê, kẽm và boron trên cây có múi, cây cà phê, hồ tiêu; Thiếu canxi, bo và silic trên cây hồ tiêu, đậu phộng, mãng cầu, mía…
Kết quả nghiên cứu về canxi, magiê và lưu huỳnh trên đất xám của tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường từ 1997-2002 cho thấy canxi, magiê và lưu huỳnh đều làm tăng năng suất lúa ở cả hai vụ đông xuân và hè thu trên đất xám. Tương quan giữa canxi, magiê và lưu huỳnh với năng suất lúa khá chặt. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy canxi, magiê và lưu huỳnh đều làm tăng chất lượng lúa, thể hiện bằng các chỉ tiêu như độ bạc bụng, tỷ lệ gạo nguyên, hàm lượng protein và các amino axit.
Silic là một chất dinh dưỡng khoáng rất cần thiết cho cây trồng. Trong đất tuy có một lượng khá lớn silic, nhưng chúng lại ở dạng cây không hấp thu được nên cây vẫn bị thiếu silic, cây yếu, dễ bị đổ ngã và năng suất cây trồng không cao. Vài năm gần đây, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… đã ứng dụng silic trong trồng trọt khá thành công.
Vì vậy việc sự dụng bổ sung trung, vi lượng cho cây trồng rất quan trọng, tác động đến năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Canxi: bón lót vôi hay thạch cao và/hoặc sử dụng các loại phân lân có hàm lượng can xi cao. Khi cây đang phát triển mạnh, đặc biệt là lúa sau trỗ, cây đang mang trái, đậu phộng sau khi đâm tia, cần sử dụng phân bón lá có hàm lượng canxi cao và dễ hấp thu.
Triệu chứng khi cây bị thiếu canxi: mép lá già vàng dần, lá mỏng, cây yếu dễ bị đổ ngã và sâu bệnh, thối trái, xì mủ, cần bón hay phun ngay các loại phân qua lá có hàm lượng canxi cao để bổ sung kịp thời.
Magiê: bón lót bằng các loại phân lân có magiê cao. Giai đoạn bón thúc cần sử dụng các loại phân trung vi lượng.
Triệu chứng cây bị thiếu magiê: lá già vàng nhưng gân lá vẫn xanh.
Lưu huỳnh: Để phòng chống thiếu lưu huỳnh cần bón phân đạm SA kết hợp với urea, bón lân super.
Silic: Cần bón bổ sung các loại phân có silic ở dạng dễ hấp thu .Bón tro trấu, tro dừa cũng bổ sung một phần silic đáng kể.
Bo: Cây trồng cần bo để hình thành hoa và hạt phấn, tăng khả năng đậu trái và giảm rụng trái non. Các loại cây như lúa, đậu phộng, mãng cầu, hoa cảnh, cây ăn trái và rau màu đều rất cần bo.
Triệu chứng thiếu bo: số hoa và trái giảm, tỷ lệ rụng trái cao, rau dễ bị hư, năng suất cây trồng thấp.
Hiện nay nông dân nhiều vùng đã sử dụng Bo để điều khiển lúa trổ bông đều, bông to, cây ra hoa sớm, ra hoa trái vụ, tăng tỷ lệ đậu trái, giảm rụng trái rất thành công.
Kẽm: Biện pháp sử dụng phân kẽm qua lá là biện pháp cung cấp kẽm cho cây có hiệu quả hiện nay. Khi sử dụng chúng ta cần lưu ý hàm lượng kẽm trong từng loại phân để chọn được loại phân thích hợp nhất.
Đồng: Đồng rất quan trọng đối với cây trồng.
Khi thiếu đồng, cây dễ bị nấm bệnh tấn công làm giảm năng suất cây trồng.
Giai đoạn cần phân đồng là cây con khi mới nảy mầm, phát rễ hoặc giai đoạn bung đọt với các cây lâu năm.
Các loại vi lượng khác như sắt, mangan tuy chưa thấy biểu hiện thiếu nhiều như các trung vi lượng đã trình bày ở trên. Tuy vậy khi thiếu hụt, có thể sử dụng các loại phân bón lá có các thành phần này để bổ sung. Riêng molypđen là loại phân bón rất đắt và trên thị trường các tỉnh rất ít có loại phân này nên bà con có thể sử dụng các loại phân bón lá có thành phần molypđen để bổ sung. Đậu phộng và các loại cây họ đậu, các loại rau rất cần molypđen.
Bấm vào xem Phân bón lá vi lượng Pro 1: chuyên Bonsai, Hoa Hồng, Phong Lan, Mai Vàng
Phân bón cho cam
Để được tư vấn thêm vui lòng liên hệ zalo 0944099345 hoặc gửi email về nguyenhuythongag@gmail.com để được tư vấn miễn phí.