Lan Vũ nữ hành trình vươn ra “biển lớn”
Trong năm 2015, có 39 container với hàng trăm ngàn cành hoa lan vũ nữ trồng trên đất Lâm Đồng đã được xuất sang thị trường Nhật Bản. Đó là thành quả nỗ lực, bứt phá của doanh nghiệp và chính những người nông dân trồng hoa trong hành trình vươn ra “biển lớn”.
Những thành viên trong tổ hợp tác Hương sắc Đà Lạt đi kiểm tra chất lượng hoa lan của các tổ viên
Khi tiềm năng được khai thác
Khi tất cả các vườn hoa ở xứ hoa Lâm Đồng rộn ràng sản xuất dịp Tết – một trong những thời điểm buôn bán quan trọng của người làm hoa thì Liên minh Sản xuất lan vũ nữ giữa các nông hộ với Công ty Hoa Mặt Trời vẫn sản xuất đều đặn như nhịp điệu thường nhật. Lý giải về điều này, anh Huỳnh Tấn Sơn – Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời cho biết: “Hoa của những hộ nông dân ở đây có đầu ra ổn định quanh năm. Mọi kế hoạch từ sản xuất đến tiêu thụ đều đã được tính toán kỹ. Bà con nông dân không còn phải chịu điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Hiện tại, Công ty Hoa Mặt Trời đang liên kết với hơn 40 hộ nông dân của huyện Đức Trọng và Di Linh trên diện tích hơn 21ha để trồng một số lượng lớn là 2 triệu chậu lan vũ nữ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản – thị trường vốn nổi tiếng “khó tính” trên thế giới. Hiện có khoảng 200.000 chậu, mỗi chậu có thể cho cắt 6 cành/năm đã cho thu hoạch thường xuyên. Các lô hàng được xuất đều đặn bằng đường biển. Giá cả được quyết định bởi sàn đấu giá OTA tại Nhật Bản. Lan vũ nữ xuất sang Nhật có thể đem lại lợi nhuận rất cao. Với giá bán thấp nhất, trừ hết mọi chi phí, mỗi năm, một hộ nông dân có thể thu về ít nhất khoảng 2 tỷ đồng/ha. Anh Sơn cho biết: “Hiện nhu cầu nhập khẩu lan vũ nữ của Nhật Bản đang ở mức cao. Phía Nhật không giới hạn số lượng xuất sang thị trường này nhưng cần đảm bảo chất lượng và xuất đều đặn hàng tuần, không gián đoạn”.
Về mặt kỹ thuật, nông dân Lâm Đồng hoàn toàn có khả năng sản xuất đạt chuẩn của thị trường Nhật. Và hiện mặt hàng này đang có sức cạnh tranh lớn so với Đài Loan – một trong những quốc gia sản xuất lan vũ nữ hàng đầu, đồng thời cũng là nguồn cung ứng chính cho thị trường Nhật Bản. Từ Đài Loan xuất hoa sang thị trường Nhật chỉ mất 6 ngày. Trong khi hoa Lâm Đồng tới Nhật phải mất 16 ngày (bằng đường biển), nhưng vẫn được bạn hàng Nhật đánh giá cao. Hơn nữa, phía Đài Loan chỉ có khả năng cung cấp lan vũ nữ vào một số thời điểm nhất định do điều kiện khí hậu không cho phép. Ngược lại, nhờ đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng,… nông dân Lâm Đồng đã có khả năng khống chế mùa vụ và sản lượng hoa nên có khả năng cung cấp quanh năm. Bởi thế vào thời điểm trái vụ với phía Đài Loan, lan vũ nữ Lâm Đồng có giá rất cao. Đó là lý do chỉ riêng trong năm qua, đã có 39 container lan vũ nữ được xuất đi Nhật. Tín hiệu lạc quan mở ra khi phía Nhật Bản còn có chiến lược hợp tác lâu dài khi đề nghị sẽ cử chuyên gia về hoa lan sang để làm việc cùng nông dân Lâm Đồng ở tất cả các khâu từ ươm giống, trồng đến xử lý trước khi đóng thùng chuyển ra cảng. Hiện Lâm Đồng đang có dự định mở rộng xuất khẩu lan vũ nữ ra nhiều thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Đó thực sự là một tín hiệu vui nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho chính những người nông dân trồng lan vũ nữ ở vùng đất Nam Tây Nguyên.
Vượt qua thách thức
Để lan vũ nữ Lâm Đồng có thể hiện diện trên đất Nhật như hiện nay là cả một hành trình gian khó. Từ những năm 2008, Công ty Hoa Mặt trời bắt tay vào việc tìm hiểu nhưng mãi đến năm 2012 mới bắt đầu sản xuất. Anh Sơn kể, “Khi sang thăm mô hình trồng lan vũ nữ của công ty tại xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), doanh nghiệp Nhật Bản tuy đánh giá cao chất lượng hoa nhưng không chấp thuận hợp tác làm ăn, vì diện tích trồng lan ít, không đủ đảm bảo nguồn cung ổn định”. Hoa Mặt Trời đã vận động các hộ nông dân trong vùng cùng hợp tác trồng lan vũ nữ để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn. Công ty đã chi 5 tỷ đồng để hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ sở vật chất ban đầu và hướng dẫn cho nông dân mọi kỹ thuật. Tất cả các vườn hoa đều được sản xuất, chăm sóc, đóng gói theo cùng một quy trình chung nhằm chuẩn hóa chất lượng sản phẩm. Những “lão nông tri điền” vẫn phải chú tâm học từng kỹ thuật trồng hoa dù là nhỏ nhất để sản xuất hoa đúng tiêu chuẩn. 3 năm đầu từ đặt giống, đến lúc trồng và chờ ra hoa…, thực sự là những đêm dài đầy lo lắng không chỉ của công ty mà cả đối với người dân. Bởi những người nông dân đầy “can đảm” ấy đã gắn hết nhà cửa, vườn tược để vay vốn đầu tư vào sản xuất. Tổng đầu tư từ hệ thống nhà lưới, trang thiết bị và giống… cho 1.000m2 lan vũ nữ lên đến hơn 600 triệu đồng. Khi năng lực của liên minh đủ để cung ứng cho thị trường khoảng 7 triệu cành/năm, phía Nhật mới đồng ý ký kết xuất khẩu với đơn hàng được đặt theo tuần. “Cánh cửa xuất khẩu từ đó mới bắt đầu mở ra cho lan vũ nữ Lâm Đồng” – anh Sơn nói.
Ông Trần Trung Thứ – Tổ trưởng Tổ hợp tác Hương Sắc Đà Lạt (xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng), thành viên của liên minh với Công ty Hoa Mặt Trời, vẫn nhớ như in khi container đầu tiên xuất sang Nhật vào đầu năm nay. 16 ngày hoa lênh đênh trên biển cũng là 16 ngày mà tất cả nông hộ và công ty đều không ngủ. Cho đến khi được kiểm nghiệm và đưa vào tiêu thụ trên thị trường Nhật mọi người mới có thể thở phào”. Ông Trần Đơn Quốc – thành viên tổ hợp tác cho biết thêm: “Những hộ nông dân tham gia liên kết được thông tin đầy đủ về giá cước đóng gói, vận chuyển, mậu dịch… thậm chí cả giá hoa từng ngày trên sàn đấu giá OTA. Chính người dân cũng cần tự trang bị cho mình kiến thức và công nghệ. Và chúng tôi không tính toán lợi nhuận thu về sau mỗi đợt xuất hàng mà tính theo chu kỳ một năm để thấy được lợi nhuận về tay là bao nhiêu. Bản thân mỗi nông dân khi tham gia sản xuất hoa xuất khẩu, cần có tầm nhìn lâu dài, không thể nóng vội, sơ sài như trước đây”.
Công nghệ đóng gói đạt chuẩn trước khi lan vũ nữ được xuất đi Nhật Bản
Tư duy xuất khẩu, vươn ra “biển lớn”
Nhận định về vấn đề này, Tiến sỹ Phạm S – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định “Tỉnh Lâm Đồng hiện đang có thế mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản. Một doanh nghiệp không đủ hàng hóa để cung ứng, bởi vậy các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau hoặc liên kết với nông dân. Và nông dân cần phải tổ chức lại hình thức sản xuất tốt hơn, đảm bảo quy trình chuẩn và đồng bộ về giống, kỹ thuật…mà các doanh nghiệp đã đặt ra để nâng cao tỷ lệ loại A của hoa trên 85%. Khi kết nối giao thương với thị trường Nhật, phía doanh nghiệp và nông dân Việt Nam cần tuyệt đối đảm bảo uy tín để hợp tác chặt chẽ và lâu dài”.
Hiện rất nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang đăng ký để được hỗ trợ chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với mục tiêu làm sản phẩm theo chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, các thương hiệu rau hoa của Lâm Đồng vẫn còn lúng túng trong hướng đi này. Bởi thực tế, tư duy của một bộ phận không nhỏ nông dân chưa được thay đổi; chưa có nhiều doanh nghiệp đứng ra để đồng hành; cơ quan chức năng chưa có những chiến lược cụ thể, dài hơi để chỉ đường cho nông dân.
Giải quyết những vấn đề ấy chính là tạo hành trang cần thiết để hàng hóa của nông dân Lâm Đồng vươn ra biển lớn.
NGỌC NGÀ