Quy trình kỹ thuật trồng Dâu nuôi Tằm, Nguồn: Ks. Vũ Đức Ban và Ths. Nguyễn Thị Min.
I. Tổng quan – Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề có truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm với bao thăng trầm nghề trồng dâu, nuôi tằm ở nước ta vẫn tồn tại và phát triển. Với chi phí đầu tư cho trồng dâu, nuôi tằm không cao, một lần trồng có thể thu hoạch 15 – 20 năm. Cây dâu lại không kén đất, nó có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau như: đất bãi ven sông, đất bãi ven biển và cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng, vùng đồi núi trung du, sau 4 – 6 tháng trồng cây dâu đã có thể cho thu hoạch lá nuôi tằm. Việc chăm sóc cây dâu không đòi hỏi đầu tư quá cao. Ngoài sản phẩm chính là lá dâu cho nuôi tằm còn thu được nhiều sản phẩm phụ từ cây trồng xen như: đậu đỗ, rau, cây hoa, dược liệu và nguồn chất đốt. Đầu tư chi phí cho trồng dâu thấp nhưng nuôi tằm lại cho thu hoạch nhanh, chỉ sau 20 – 25 ngày đã cho thu hoạch một lứa tằm. Nghề trồng dâu nuôi tằm còn là nghề tạo công ăn việc làm, thu hút lao động nông nhàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn miền núi.
– Với những lợi thế trên, có thể nói nghề trồng dâu, nuôi tằm là một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều ngành nghề khác. Trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay, cây dâu là một trong những cây được lựa chọn nhằm thực hiện mục tiêu thu nhập 50 triệu đồng/1 ha/năm.
– Ở nước ta, nghề trồng dâu, nuôi tằm được trải rộng từ Bắc vào Nam với hơn 25 tỉnh có nghề trồng dâu, nuôi tằm. Lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về dâu tằm tơ những năm gần đây đạt nhiều thành tựu: nhiều giống dâu, giống tằm mới, năng suất cao, chất lượng tốt; nhiều tiến bộ kỹ thuật thâm canh đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành dâu tằm tơ. Đã phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất. Ngành sản xuất dâu tằm tơ ở nước ta những năm qua đã đóng góp tích cực vào quá trình CNH- HĐH nông nghiệp và nông thôn.
– Tuy nhiên cũng còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, đó là sự phát triển chưa ổn định. Diện tích trồng dâu những năm gần đây chưa được mở rộng, hiệu quả kinh tế của ngành còn hạn chế. Theo báo cáo của Tổng công ty dâu tằm tơ Việt Nam thì năng suất kén bình quân/1 ha mới chỉ đạt 700 – 1.000kg, trong khi đó ở Quảng Đông (Trung Quốc) với điều kiện khí hậu tương tự đã đạt trên 2.000 kg kén/ha.
– Để mở rộng và phát triển ổn định ngành dâu tằm tơ Việt Nam đòi hỏi phải có các giải pháp Khoa học Công nghệ đồng bộ và toàn diện từ cơ cấu, chất lượng giống dâu, giống tằm đến các biện pháp kỹ thuật cũng như về cơ chế chính sách.
II. Kỹ thuật trồng dâu1. Chọn giống dâu trồng – Dâu là cây trồng lâu năm, do vậy trước khi trồng cần chọn giống dâu trồng phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai khí hậu và tập quán thâm canh của từng vùng để phát huy hết hiệu quả của giống.
– Hiện nay trong sản xuất có rất nhiều giống dâu đang được trồng. Tuy nhiên, có thể phân thành 4 nhóm dâu chính sau: + Nhóm giống dâu địa phương; + Nhóm giống dâu tam bội thể trồng bằng hom; + Nhóm giống dâu lai F1 trồng bằng hạt; + Nhóm giống dâu nhập nội.
a) Nhóm giống dâu địa phương: – Đây là những giống dâu đã được trồng ở các địa phương từ rất lâu như : Dâu bầu, Hà Bắc, Quang Biểu, dâu đa, dâu gỗ…Các giống này có ưu điểm sinh trưởng khoẻ, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi khá, nhưng năng suất lá thấp, lá nhỏ, mỏng, hái dai, nhiều hoa quả.
– Nhóm giống dâu này phù hợp cho vùng khó khăn, đất nghèo dinh dưỡng.
b) Nhóm giống dâu tam bội thể trồng bằng hom: – Đây là các giống dâu lai do Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ TW nghiên cứu, lai tạo chọn lọc, gồm có: tam bội thể số 7, số 12, số 11, số 28. số 36.
– Ưu điểm: Lá to, dầy, sinh trưởng khoẻ. Năng suất lá đạt trên 35 tấn/ha/năm, chất lượng lá tôt (Hàm lượng Protein trong lá đạt 21 – 22%).
– Nhược điểm: Do nhân giống bằng hom nên khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như chịu hạn, úng, mở rộng nhanh diện tích bị hạn chế.
– Nhóm giống dâu này phù hợp cho vùng đất bài ven sông ở vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc.
c) Nhóm các giống dâu lai trồng hạt: – Đây là các giống dâu lai F1 trồng hạt, do Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ TW nghiên cứu, chọn tạo, đã được Bộ nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức giống Quốc gia như: Dâu Lai F1-VH9, VH13, VH15 được phổ biến ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
– Ưu điểm: Thời vụ trồng quanh năm, hệ số nhân giống cao (1kg hạt có thể trồng 4 – 5 ha), thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái khác nhau (đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi…), nhiệm kỳ kinh tế dài hơn trồng hom, chống chịu sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn, úng khá. Lá to, dày, mềm và bóng, năng suất lá 35 – 40 tấn/ ha/ năm, chất lượng lá tốt (Protein trong lá 22 – 23%).
– Nhược điểm: Do nhân giống bằng hạt nên phải qua giai đoạn trong vườn ươm (50 – 60 ngày).
– Nhóm giống dâu này phù hợp với vùng đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
d) Nhóm các giống dâu nhập nội: – Chủ yếu là các giống nhập từ Trung Quốc như: Sha nhị luân, Hà số 7, Quế ưu, QĐ5. Tuy nhiên các giống dâu trên đều nhập qua đường tiểu ngạch, chưa qua khảo nghiệm chính thức tại Việt Nam.
– Ưu điểm: Nhìn chung các giống dâu nhập từ Trung Quốc là những giống sinh trưởng khoẻ, lá to, năng suất lá khá (35 tấn/ha).
– Nhược điểm: Nhìn chung các giống dâu lai của Trung quốc hiện trồng ở Việt Nam không thuần, phân ly nhiều.
– Với giống Sha nhị luân lá mỏng, nháp, nhiễm bệnh bạc thau, rỉ sắt cao. Còn với giống Hà số 7 nẩy mầm vụ xuân rất muộn (từ 10 – 20 tháng 4 mới nảy mầm).
2. Chuẩn bị đất trồng dâua) Chọn vị trí đất: Cây dâu có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau: đất bãi ven sông, ven biển, đất đồi. Độ pH từ 5 – 8. Tuy nhiên đất trồng dâu phải thoát nước, không bị ngập úng lâu ngày. Không nên trồng dâu ở gần khu vực có các ống khói nhà máy, hóa chất độc. Nên qui hoạch vùng dâu riêng, không xen kẽ với các loại cây trồng khác như lúa, rau màu, thuốc lá…, vì khi sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu cho các cây trồng đó sẽ ảnh hưởng đến lá dâu nuôi tằm.
b) Thiết kế ruộng dâu: – Dâu là cây lâu năm, một lần trồng sau 15 – 20 năm mới phải trồng lại, do vậy phải tính toán thiết kế ruộng dâu để thuận tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch như: phân lô, hệ thống mương tưới, tiêu, đường nội đồng…
– Trước khi trồng dâu, phải tiến hành điều tra xác định một số yếu tố về đất, nguồn nước tưới, tiêu để xác định các loại vật tư, phân bón chi phí cần đầu tư.
c) Làm đất: – Cày bừa: đất cho trồng dâu phải được cày, bừa trước khi trồng từ 1 – 2 tháng, độ sâu 20 – 25 cm để cho đất phong hoá hết. Bừa kỹ cho đất nhỏ, kết hợp san phẳng mặt ruộng, vơ cỏ.
– Đào rạch: Đối với trồng dâu bằng cây con cũng như trồng bằng hom dều phải đào rạch (hoặc hố) nhưng kích thước rạch (hố) có khác nhau. Nếu trồng dâu bằng cây con gieo từ hạt: rạch đào sâu 30 cm, rộng 30 cm. Còn trồng dâu bằng hom thì rạch đào sâu 40 cm, rộng 40 cm. Khi đào lớp đất trên mặt để sang một bên, lớp đất dưới để sang một bên.
– Phân bón: đối với dâu trồng mới cần thiết phải bón phân trước khi trồng, Phân hữu cơ 25 – 30 tấn/ha, Phân vô cơ: lân 800 kg, kali 270 kg/ha. Sau khi rải phân hữu cơ xuống rãnh, rải tiếp phân lân và kali, sau đó lấp đất trở lại rãnh, lớp đất trên mặt cho xuống trước, lớp đất phía dưới cho xuống sau.
3. Thời vụ trồng dâua) Trồng dâu bằng cây con gieo từ hạt: – Ở vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Bắc nếu trồng bằng cây con thì thời vụ trồng có thể kéo dài quanh năm. Nếu ở vùng đất bãi ven sông do ảnh hưởng của nước lũ thì thời vụ trồng nên trồng vào vụ xuân hoặc sau khi đã hết lũ.
– Ở những vùng bãi ven biển nhiễm mặn, vùng duyên hải miền Trung nên trồng vào mùa mưa (tháng 8 – 10)
b) Trồng dâu bằng hom: Thời vụ trồng dâu bằng hom tốt nhất vào trung tuần tháng 12 đến tháng 1 năm sau, vì đây là thời điểm cây dâu bước vào ngủ đông, nên hom dâu giống có chất lượng tốt nhất, sau khi trồng xong có mưa xuân rất thuận lợi cho dâu nảy mầm, tỉ lệ sống cao.
4. Mật độ trồng – Tùy thuộc loại đất, phương thức canh tác và điều kiện đầu tư thâm canh mà xác định mật độ trồng hợp lý. Thông thường mật độ trồng hàng cách hàng 1,2 – 1,5m, cây cách cây 0,2 – 0,3 m (khoảng 4 – 5 vạn cây/ha).
– Cách tính số lượng cây (hom) cần chuẩn bị để trồng như sau: Số cây (hom)/1 đơn vị diện tích = Diện tích cần trồng (m 2)/Khoảng cách hàng x khoảng cách cây
5. Tiêu chuẩn cây, hom dâu giống và xử lý cây, hom giống trước khi trồnga) Tiêu chuẩn cây dâu giống, hom dâu giống: – Tiêu chuẩn cây dâu giống: cây dâu con được ươm từ hạt trước khi trồng phải đạt một số tiêu chuẩn sau: + Tuổi cây trong vườn ươm 60 – 70 ngày trở lên + Chiều cao cây 30 cm trở lên + Đường kính thân cây con: 0,02 cm trở lên + Cây dâu không bị sâu bệnh, không lẫn giống. * Chú ý: Trước khi nhổ cây 15 ngày không được bón đạm để cứng cây.
– Tiêu chuẩn hom dâu giống: + Hom dâu giống phải đạt từ 8 tháng tuổi trở lên. + Đường kính hom từ 0,8 cm trở lên. + Không có nguồn nấm bệnh. + Không bị lẫn giống.
b) Xử lý cây giống, hom giống trước khi trồng: – Đối với dâu cây: + Phân cây thành từng loại: to, trung bình, nhỏ để trồng riêng từng loại. + Cắt bỏ phần ngọn chỉ chừa lại phần thân 20 – 30 cm. + Nếu rễ cây con quá dài có thể cắt bớt, chỉ chừa lại 10 – 15 cm. + Bảo quản cây giống nơi râm mát, giữ ẩm.
– Đối với hom giống + Loại bỏ cành có nguồn nấm bệnh, rệp, phần ngọn và gốc. + Chặt hom thành từng đoạn 20 – 25 cm, có ít nhất 2 – 3 mắt/ 1 hom. + Khi chặt tránh làm dập, xước hom, + Bảo quản hom nơi râm mát, giữ ẩm.
6. Kỹ thuật trồng dâua) Trồng dâu bằng cây con: Trồng dâu bằng cây con trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn trong vườn ươm và giai đoạn nhổ đem trồng ở ruộng sản xuất.* Giai đoạn trong vườn ươm: Thời gian trong vườn ươm thường 50 – 60 ngày. Khi cây trong vườn ươm đạt chiều cao 40 – 50 cm, đường kính thân đạt 0,3 cm trở lên thì nhổ đem trồng. Một số điểm cần lưu ý khi ươm hạt dâu: – Chọn đất ươm: cao, thoát nước tốt, độ pH 6 – 7, gần nguồn nước tưới, xung quanh không có cây cao che khuất, nên chọn đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ.
– Lám đất ươm: cày bừa kỹ trước khi gieo 1 – 2 tháng, sạch cỏ. Bề mặt luống rộng 1,0 – 1,2 m, rãnh rộng 0,30 m, sâu 0,20 m. Phân chuồng hoai mục 500 kg/sào, trộn đều.
– Xử lý hạt trước khi gieo: Nếu gieo ở vụ xuân và vụ thu hạt phải được ngâm ủ trước khi gieo. Hạt dâu ngâm trong nước ấm 48 giờ. Sau 24 giờ thay nước, rửa sạch hạt rồi ngâm tiếp 24 giờ. Đãi sạch hạt, trộn với mạt cưa hoặc cát ướt cho vào túi vải đem ủ nơi ấm, chú ý giữ đủ ẩm. Sau 24 giờ hạt nứt nanh thì đem gieo.
– Mật độ gieo: 1 kg hạt dâu có khoảng 50 – 55 vạn hạt. Mật độ gieo trung bình 0,10 – 0,12 kg/100 m 2 là vừa (khoảng 500 – 550 hạt/m 2).
– Phương pháp gieo: Có thể gieo vãi hoặc gieo thành hàng. Sau khi gieo hạt phải rắc thuốc chống kiến xung quanh luống để phòng kiến tha hạt dâu. thường dùng VIBAM, 1kg/sào.
– Che phủ sau khi gieo hạt: Sau khi gieo hạt xong phải che phủ lướng ươm bằng trâu, rơm rạ. Nếu vụ xuân trời rét nên phủ ni lon để chống rét. Nếu không che phủ khi trời mưa hoặc khi tưới nước bề mặt luống bị lì, hạt khó nảy mầm. Khi hạt nảy 80% phải bỏ bớt lớp rơm rạ phủ mặt luống chỉ để lại một lớp mỏng. Nếu gieo vào vụ hè phải có lưới che chống mưa to làm dập nát cây con.
– Tưới nước: Sau khi gieo xong hàng ngày phải tưới nước đủ ẩm cho đến khi hạt nảy hết, Sau khi cây có lá thật có thể 2 – 3 ngày tưới 1 lần.
– Phòng trừ sâu bệnh: Cây con sau khi mọc rất dễ bị bệnh thối cổ rễ, Vì vậy nên phun phòng để chống bệnh thối cổ rễ. Dùng các loại thuốc trừ nấm như: validaxin, Kasuran 0,2% để phun, lượng phun 20 lít/ sào Bắc bộ. Ngoài ra cần đề phòng các loại sâu phá hoại như: sâu sám, sâu khoang, ốc sên…
– Thu hoạch cây con: Khi cây con đạt tiêu chuẩn thì nhổ đem trồng. Trước khi nhổ cần tưới đẫm nước để hạn chế đứt rễ. Nếu chưa trồng ngay hoặc phải vận chuyển đi xa cần bảo quản nơi thoáng mát, giữ ẩm, vận chuyển lúc trời mát.
* Giai đoạn nhổ đem trồng (Kỹ thuật trồng dâu bằng cây con): – Khi đặt cây dâu không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với lớp phân bón ở rãnh.
– Giữ cho rễ cây dâu con thẳng, không bị cuộn lại.
– Lấp đất kín phần cổ rễ.
– Nén chặt đất xung quanh gốc.* Chú ý: khi lấp đất xuống rãnh chỉ lấp 2/3 chiều sâu của rãnh. Sau khi đặt cây dâu xuống rãnh giữ cho cây thẳng, lấp tiếp phần đất còn lại sao cho luống dâu cao hơn ở rãnh 10 – 15 cm để khi mưa không bị đọng nước ở gốc.
b) Trồng dâu bằng hom: Hom dâu được cắm xiên một góc 15 o, mỗi khóm cắm 2 – 3 hom, nén chặt đất xung quanh gốc.
7. Chăm sóc quản lý ruộng dâu sau trồnga) Tưới nước, thoát nước: – Tưới nước: Đối với dâu trồng bằng cây con và trồng bằng hom sau khi trồng xong đều phải tưới nước cho chặt gốc, giữ đủ ẩm cho cây để phục hồi bộ rễ (với dâu trồng cây con) và ra rễ nhanh (với trồng hom). Với dâu cây trồng vào vụ hè nếu không tưới nước sẽ giảm tỉ lệ sống, khả năng hồi phục của cây chậm, sau đó cứ 3 – 4 ngày tưới 1 lần cho đến khi mầm dâu phát triển được 10 – 15 cm.
– Thoát nước: Sau khi trồng nếu gặp mưa lớn kéo dài gây ngập úng ruộng dâu phải thoát nước kịp thời. Nếu để ruộng dâu ngập nước kéo dài cây dâu sẽ bị héo lá, vàng úa và chết.
b) Trồng dặm: Sau trồng 10 – 15 ngày (với trồng dâu cây), 25 – 30 ngày (với trồng hom), dâu sẽ nảy mầm. Cần kiểm tra phát hiện trồng dặm những cây bị chết, khuyết để đảm bảo mật độ.
c) Làm cỏ: Ruộng dâu mới trồng cây còn nhỏ, sinh trưởng chậm, cỏ dại có điều kiện phát triển nhanh, cạnh tranh ánh sáng, thức ăn với cây dâu. Cỏ dại phát triển còn là nơi cho sâu bệnh trú ngụ, phát sinh, vì vậy cần chú ý làm cỏ kịp thời cho ruộng dâu mới trồng, kết hợp làm cỏ và xới xáo đất để giữ ẩm, tạo thông thoáng cho cây dâu sinh trưởng phát triển tốt.
d) Bón phân: – Khi cây đã nảy mầm, phát triển mầm dâu cao khoảng 25 – 30 cm tiến hành bón phân thúc cho cây dâu.
– Lượng bón: 50 – 60 kg ure/ha, độ sâu 10 cm, cách gốc dâu 10 – 15 cm.
– Giai đoạn đầu đối với dâu mới trồng có thể bón phân qua lá. Phun vào buổi sáng hoặc cuối buổi chiều khi trời râm mát, không phun khi trời sắp mưa hoặc nắng to. Sau đó cứ 2 tháng lại bón tiếp một lần phân u rê. Lượng bón tăng dần lên 120 – 125 kg/ha (4 – 5 kg/sào). Đến khi dâu cho thu hoạch lá lượng bón 150 – 200 kg N-P-K/ ha.
e) Phòng trừ sâu bệnh: Cây dâu ở giai đoạn mới trồng bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại như: dế, sâu róm, sâu cuốn lá, sâu khoang, sâu xám, rệp, xén tóc… và một số bệnh do nấm, vi khuẩn phá hoại. Vì vậy cần thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm để phòng trừ kịp thời.
g) Thu hoạch lá: Đối với ruộng dâu mới sau khi trồng 4 – 5 tháng (với dâu trồng cây) hoặc 6 – 7 tháng (với dâu trồng hom) có thể thu hoạch lá cho nuôi tằm. Tuy nhiên, Việc khai thác lá ở ruộng dâu mới trồng dựa vào nguyên tắc: “Khai thác là phụ, bồi dưỡng cây là chính” khi cây dâu sinh trưởng đạt chiều cao 1 mét trở lên có thể khai thác từ 30 – 40 % lượng lá có trên cây. Tuyệt đối không khai thác lá khi cây còn nhỏ.