Cẩm cù (Hoya), hiện được tìm thấy và phân loại bao gồm khoảng từ 200 đến 300 loài khác nhau. Cẩm cù (Hoya) thuộc phân họ Asclepiadoideae trong họ Apocynaceae. Tên thường gọi của loài thực vật này trong tiếng Việt được biết tới là cẩm cù, lan sao…; trong Tiếng Anh là waxplant, waxvine, waxflower, porcelain flower… (hoa sáp, hoa sứ…, [tạm dịch]) hay đơn giản hơn là hoya (cẩm cù). Theo Wikipedia, từ Hoya, tên Tiếng Anh của loài thực vật này được nhà thực vật học Robert Brown đặt tên để bày tỏ lòng trân trọng với những đóng góp của bạn ông – nhà thực vật học Thomas Hoy.
Cẩm cù (Hoya) hầu hết được nhận biết ở dạng thực vật dây leo biểu sinh, một số lại ở dạng dây leo trên cạn và một số ít ở dạng cây bụi nhỏ. Cây có thể sinh trưởng và phát triển đến 1-12m; và có thể dài hơn nếu có điều kiện sinh thái và giá thể hỗ trợ phù hợp. Thân dây chứa nhựa cây thường có màu trắng đục, trong hoặc vàng trong. Lá mọc đối xứng nhau theo từng đốt (mắt) với khoảng cách từ khoảng 1-20cm mỗi đốt tùy theo loài. Đặc trưng của lá rất dày và nhiều nước; nhiều loài còn có lá có đốm trắng bạc nhỏ.
Vòi hoa mọc ra từ các đốt này và điểm độc đáo nhất của Cẩm cù là ở đây: hoa sẽ ra rất nhiều lần từ 1 vòi hoa này, có thể năm này qua năm khác.
Hoa Cẩm cù luôn luôn bao gồm đài hoa, cánh hoa và lõi hoa tạo thành hình ngôi sao 5 cánh. Cánh hoa thường dày, bóng sáp và có dạng hình tam giác. Hoa nở dạng chùm có dáng trái cầu từ một vòi hoa, mỗi vòi hoa gồm có nhiều cuống hoa, và mỗi cuống hoa là một bông hoa có thể dao động từ vài bông đến cả trăm bông tùy loài. Kích thước chùm hoa dao động từ 5-15cm với kích thước mỗi bông hoa từ 0.5-2.5cm đường kính.
Hoa được ghi nhận nhiều màu sắc, phổ biến là trắng chuyển qua hồng rồi đỏ, một số màu trắng vàng đục chuyển qua vàng. Rất nhiều loài hoa Cẩm cù có hương thơm từ thoảng thoảng ngọt ngào đến rất nồng, thậm chí hăng hắc và thường hoa có nhiều mật.
Trong tự nhiên cẩm củ được tìm thấy trên các thân cây rừng, hốc đá có lá mục
Phân bổ
Đây là loài khá dễ tính, siêng ra hoa và cho hoa đẹp, tuy số lượng phân bố trong tự nhiên vẫn còn nhiều nhưng chúng cũng bị đe doạ bởi những nhà sưu tầm Cẩm Cù và mất sinh cảnh sống. Cẩm cù nói chung rất dễ nhân giống, chỉ cần cắt một đoạn thân nhỏ là có thể giâm thành cây.
Cẩm cù là loài thực vật nhiệt đới trong gia đình Apocynaceae, có khoảng 200-300 giống, trước đây được coi là thành viên trong họ cây Asclepiadaceae. Hầu hết là có nguồn gốc từ châu Á bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, In-đô-nê-xi-a,Việt Nam, Polynesia, New Guinea và Úc.
Loài cây của vùng Ấn Độ – Malaixia, thường gặp mọc leo trên các cây to, gặp ở chỗ nắng khu vực núi đá vôi, một số nơi ở Bà Rịa (Núi Dinh) và Lâm Đồng (Đà Lạt). Thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.
Chăm sóc
1. Cách trồng
Có thể nói Cẩm cù (Hoya) là loại hoa dễ trồng, nếu không muốn nói là khá dễ. Cây không cần chăm sóc, bón phân kỹ lưỡng vẫn ra hoa đều đặn. Cây có thể trồng ngoài trời hoặc trong nhà kính. Một số loài thích ánh sáng mạnh và ít nước, số khác thì lại thích bóng râm và nhiều nước nhưng hầu hết các loài thích ánh sáng tán xạ khoảng 50-60% độ sáng trực tiếp của ánh nắng mặt trời cộng với môi trường ẩm độ cao nhưng không cần quá nhiều nước. Có thể lý do này nên Cẩm cù được gọi là Lan sao. Cẩm cù có rất nhiều đặc điểm sinh thái giống với phong lan từ nhiệt độ, ánh sáng, ẩm độ và chất trồng.
Chất trồng của Cẩm cù có thể lấy từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải đảm bảo độ xốp, thoáng khí và tất nhiên phải đủ dinh dưỡng. Một số chất trồng dễ kiếm như là tro trấu, xơ hay mùn dừa, gỗ mục, hỗn hợp đất trồng cây bán sẵn, gạch vụn, đá bọt, đá non, đá perlite, phân bò khô… trộn với tỷ lệ thích hợp sao cho chất trồng tơi xốp và thoáng khí. Ví dụ về hỗn hợp chất trồng có thể như sau: 50% tro trấu, 30% xơ dừa, 10%gạch vụn, 10% phân bò khô.
2. Nhân giống
Cẩm cù (Hoya) có thể nhân giống bằng nhiều cách khác nhau: trồng bằng hạt, cắt và dăm thân dây hoặc lá.
Nhân giống từ hạt: Hạt có thể lấy được từ trái đã già và chín. Phải cần vài tháng để trái phát triển, già đi cho tới lúc chín và khô lại. Khi trái chín khô, vỏ tự tách ra làm đôi, hạt có lông tơ rơi ra và theo gió phát tán. Để có được hạt, khi trái đã già, ta nên bọc lại bằng bao nylon. Hạt gieo trong hỗn hợp chất trồng cần nhiều dinh dưỡng và đặc biệt tơi xốp để giúp rễ phát triển, để nơi râm mát. Khi hạt phát triển thành cây có lá riêng biệt là lúc ta có thể sang ra trồng riêng trong chậu nhỏ, tiếp tục sang chậu khi cây phát triển ổn định và trưởng thành, quá trình này có thể kéo dài tới 12 tháng tùy theo điều kiện chăm sóc.
Nhân giống từ cắt cành thân dây hoặc lá: Cẩm cù có thể nhân giống bằng cách dăm lá trong hỗn hợp chất trồng. Dùng thuốc kích thích ra rễ để lá giống mau ra rễ. Lá đặt nghiêng một góc 45o, lấp chất trồng phủ cuống lá. Nhìn chung, lá có thể phát triển ra rễ rất nhanh nhưng để phát triển thành cây sẽ rất lâu và rất khó. Tuy nhiên, việc nhân giống bằng thân dây lại đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều; đây cũng là cách nhân giống phổ biến nhất đảm bảo cây khỏe mạnh và phát triển tốt. Chọn khúc thân dây đã cứng cáp, trưởng thành hoặc hơi già (thường vỏ đã đổi màu và thân đã ‘gỗ hóa’), cắt một đoạn khoảng 3-4 đốt lá, ngắt lá ở đốt cuối, nên dùng thêm chất kích thích ra rễ dạng bột hoặc nước, dăm trong hỗn hợp chất trồng nhiều dinh dưỡng, không giữ nước nhiều và thoáng khí, để nơi mát, tưới nước vừa đủ. Sau một thời gian, từ các đốt lá sẽ phát triển mầm nhánh và phát triển thành cây.
Có thể kết luận cách nhân giống bằng cắt dăm thân dây có nhiều ưu điểm và ưu việt hơn hẳn so với phương pháp khác. Tuy nhiên, cách này cũng có một nhược điểm là cần phải có cây trưởng thành làm giống và phần non, đầu ngọn của nguyên dây giống sẽ phải cắt bỏ.
3. Tưới nước
Cẩm cù là loài thực vật ưu ẩm độ cao, cây có thể chịu khô rất tốt nhưng cây rất nhạy cảm với việc tưới nước quá nhiều. Trong điều kiện bình thường, cây trồng trong chậu với lượng chất trồng vừa phải nên tưới mỗi tuần từ 1 đến 2 lần là đủ tùy mùa. Nếu trồng ngoài trời, không nên tưới nước vào mùa mưa vì có thể làm cho cây úng và chết. Nên tưới nước khi chất trồng vừa khô, có thể tưới cho nước chảy ra ngoài theo lỗ thoát của chậu nhưng đảm bảo nước sẽ không đem theo cả chất trồng ra ngoài. Chậu trồng cần đảm bảo thoát nước tốt.
4. Bón phân
Cẩm cù thực sự không cần bón phân nhiều vì nếu chất trồng đủ dinh dưỡng đã đảm bảo cho cây phát triển lâu dài và ổn định. Tốt nhất chỉ nên tưới phân qua lá, khoảng 1-2 lần mỗi tháng. Nếu ta thay chậu, không nên bón phân vài tháng sau đó cho tới khi cây ổn định và phát triển bình thường. Nếu dùng phân bón nhiều quá sẽ làm cho cây không trổ hoa.
5. Ánh sáng
Hầu hết Cẩm cù đều ưa thích ánh sáng tán xạ. Cây cần lượng ánh sáng thích hợp để quang hợp và trổ hoa. Cây sẽ phản ứng với độ sáng khác nhau và sẽ có hình dáng, màu sắc tương ứng. Nếu ta để chỗ râm mát quá, cây có xu hướng ít ra hoa, lá sẽ rất xanh tốt và thân dây phát triển mạnh. Ngược lại, nếu để chỗ nhiều nắng quá, cây trở nên chậm phát triển hơn, có thể ra hoa nhiều hơn nhưng lá sẽ chuyển màu sang vàng hay thậm chí đỏ. Nên trồng cây dưới giàn có lưới che như phong lan hoặc cũng có thể trồng chung với phong lan dưới giàn. Trong thực tế, một số nơi phù hợp với việc trồng cẩm cù là dưới hiên nhà có nắng nhưng không nên đặt cây trực tiếp ngoài ánh nắng mặt trời, dưới tán cây lớn, trồng chung với giàn hoa phong lan, bên cửa sổ…
6. Nhiệt độ và ẩm độ
Yếu tố nhiệt độ vùng nhiệt đới chúng ta không ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của Cẩm cù; chủ yếu ảnh hưởng đến việc ra hoa. Cây thường ra hoa ít hơn vào mùa lạnh so với mùa nóng. Nếu có nhiệt độ phù hợp, cây trổ hoa rất nhiều tạo nên một loạt quả cầu hoa rất đẹp mắt và ấn tượng. Yếu tố ẩm độ lại ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng và phát triển của Cẩm cù, cây sẽ phát triển tốt, ra hoa đều đặn quanh năm nếu có nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng phù hợp. Cây ưa thích môi trường có độ ẩm cao. Dó đó, khi trồng và chăm sóc, tốt nhất ta nên tạo độ ẩm và ánh sáng phù hợp thì cây sẽ cho hoa kết quả tốt nhất.
Bệnh
a. Sâu hại
Cẩm cù ít bị các loại sâu hại tấn công, sâu hại phổ biến là rệp sáp, rệp phấn trắng, rệp vàng. Khi cây bị nhiễm rệp, có thể dùng các loại thuốc đặc trị và phun thẳng lên lá theo nồng độ hướng dẫn.
b. Bệnh và phòng bệnh
Cẩm cù cũng rất ít bị nhiễm bệnh, một số ít nấm có thể nhiễm làm cây bị bệnh, lá thường có đốm đem, nâu, cây chậm phát triển. Bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất ở Cẩm cù là bệnh ‘nứt gốc’ dẫn tới chết cây. Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về bệnh trên Cẩm cù do đó phòng bệnh là cách hữu hiệu nhất. Dùng chất trồng sạch, tạo môi trường vệ sinh, thoáng mát giúp cây trồng không bị nhiễm các loại nấm bệnh.
Tác dụng y học
1. Viêm phổi nhẹ, viêm phế quản: Lá Cẩm cù tươi 60-90g giã ra chiết lấy dịch, hoà mật ong uống hoặc sắc nước uống.
2. Viêm tinh hoàn: Lá Cẩm cù tươi 60-90g, nghiền ra rồi đun sôi lấy nước uống.
3. Thấp khớp tạng khớp. Cẩm cù tươi 60-90g, đoạn khớp trên giò lợn, rượu 120g, sắc nước, chia 2 lần uống.
Giá trị kinh tế
Cây lan cẩm cù là loại lan mới, cụm hoa có hình dáng độc đáo thường được trồng chậu treo dùng để trang trí nhà hàng, quán Cafe, ban công, cửa sổ, sân vườn. Bên cạnh đó, cây Lan cẩm cù còn là một món quà lãng mạng dành cho nửa kia trong những dịp như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm, Valentine…
Ý nghĩa
Cây lan cẩm cù trái tim làm chậu treo vừa có thể trang trí, vừa có thể làm quà tặng. Lan Tim mang ý nghĩa may mắn, là một thông điệp yêu thương gửi đến những người mình đang quan tâm.
Những cặp đôi yêu nhau vào dịp valentine, dịp kỷ niệm ngày cưới, kỷ niệm ngày quen nhau… thường muốn tìm món quà hay và ý nghĩa để gây ấn tượng. Bởi vậy, một chậu treo lan tim kèm theo tấm thiệp với những lời bày tỏ ngọt ngào sẽ làm cho đối phương cảm động vì bạn.
Phân loại
Những loài mới phát hiện cho khoa học gần đây cho thấy sự quan tâm đến Cẩm cù ở Việt Nam đang có bước đột phá. Điển hình như Cẩm cù sa pa (Hoya sapaensis) phát hiện năm 2011 ở Lào Cai, Cẩm cù lộc (Hoya lockii) phát hiện ở Thừa Thiên Huế và Cẩm cù cuống dài (Hoya longipedunculata) phát hiện ở Quảng Nam năm 2012, Cẩm cù thừa thiên huế (Hoya thuathienhuensis) phát hiện năm 2013 ở Thừa Thiên Huế… Và gần đây nhất là loài Cẩm cù hạnh (Hoya hanhiae) phát hiện ở vùng cát ven biển từ Quảng Trị đến Nha Trang.
Hiện Việt Nam có ít nhất 27 loài Cẩm cù mọc tự nhiên, chiếm tỷ lệ khoảng 10% các loài Cẩm cù trên thế giới. Điều này góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đa dạng các loài này vào bậc nhất.