Trong năm 2014, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang chọn mô hình canh tác giống hoa lan Mokara, vì đây là giống hoa có nhiều ưu điểm như đẹp, cánh to, nhiều hoa trên một cành hoa, màu sắc rực rỡ (màu hoa thường được ưa chuộng hơn cả là đỏ và vàng sáng). Mặt khác, cây rất siêng ra hoa, gần như quanh năm và cây rất khỏe, phát triển mạnh về chiều cao, ít bị nhiễm sâu bệnh…
Hình dạng luống trồng Lan MOKARA.
I. THIẾT KẾ MÔ HÌNH
1. Kỹ thuật nhà lưới
Tùy theo diện tích trồng lan mà nhà lưới có thể khác nhau. Nhà lưới có chiều cao từ 3,5 – 4 m, chịu được giông gió, thông thoáng và che mát cho lan phát triển. Có thể sử dụng trụ xi măng, sắt hoặc gỗ. Lưới che loại lưới che 50% ánh sáng, có thể màu xanh hoặc màu đen.
2. Kỹ thuật tạo luống
Luống được bố trí tùy theo khu đất trồng, tốt nhất theo hướng Đông – Tây để cây nhận ánh sáng đầy đủ và đồng thời trải lưới theo hướng Bắc Nam.
Mặt luống rộng từ 0,8 – 1,2 m và dài từ 8 – 10 m. Luống hình mô rùa. Lối đi giữa các luống rộng 0,5 m. Luống xây gạch ống cần có lỗ thoát nước. Trong mỗi luống có lắp 5 trụ đỡ, cao 2,5 m. Luống được rải võ đậu phộng dày 10 – 15 cm.
Hệ thống tưới bao gồm: Máy bơm, bồn chứa, vòi phun sương và đồng hồ tưới hẹn giờ (timer).
– Máy bơm lắp đặt để bơm nước từ bồn chứa 2 (sử dụng nước cấp TP. Mỹ Tho) vào hệ thống tưới phun sương.
– Bồn chứa 1 chứa nước cấp, mở nắp để clorin bay hơi (nước chứa trong vòng 5 – 7 ngày).
– Bồn 2 chứa nước dự trữ để tưới (nước từ bồn 1 đã cho bay hơi clorin vào bồn 2).
– Vòi phun được bố trí theo khoảng cách 3 x 3 m, vòi được lắp ở độ cao 3 m.
– Hệ thống tưới được điều khiển tự động bằng timer, với tầng suất 2 lần/ngày, mỗi lần 5 phút.
3. Kỹ thuật chọn giống
* Giống cắt ngọn: Xu hướng chọn giống trồng như sau:
+ Hoa đẹp, cánh to, nhiều hoa trên một cành, màu sắc rực rỡ;
+ Cây siêng ra hoa, hoa liên tục trong năm;
+ Phát hoa dài có thể phân nhánh;
+ Có từ 2 – 3 rễ;
+ Màu hoa được ưa chuộng như đỏ vàng sáng;
+ Cây phát triển mạnh về chiều cao, lá dài nhưng không bó chặt vào thân, không bị rụng lá chân, ít bị nhiễm sâu bệnh, nhất là bệnh đốm lá và bệnh thối nhũn đọt.
II. KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC LAN
1. Thời vụ trồng: Có thể trồng quanh năm, tránh trồng vào thời điểm mưa nhiều dễ bị thối đọt.
2. Phương pháp trồng: Chuẩn bị luống trồng, tưới đẫm mặt luống trước khi trồng. Mật độ trồng 40.000 – 50.000 cây/ha. Khi trồng đảm bảo cho rễ cây lan vừa chạm mặt vỏ đậu phộng.
3. Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ bệnh
a. Tưới nước: pH từ 5.5 – 6.8. Tùy theo điều kiện thời tiết mà có chế độ tưới thích hợp để bảo đảm độ ẩm không khí
50 – 80%. Nếu thời tiết bình thường thì tưới 2 lần/ngày, tưới vào lúc sáng sớm (trước 9 giờ sáng) và vào 3 – 4 giờ chiều. Những ngày nắng gắt và tiết trời khô lạnh nên tưới bổ sung 1 – 2 lần.
b. Ánh sáng: Cây mới trồng nên sử dụng 2 lớp lưới che 50% ánh sáng. Sau 1 năm cây phục hồi và phát triển tốt thì giữ lại 1 lớp.
c. Dinh dưỡng: Các loại phân được sử dụng như: Growmore 30-10-10; Growmore 20-20-20; Growmore 6-30-30; Growmore 10-60-10; phân cá Fish Emulsion 5-1-1; vitamine B1, Terrasorb; Seaweed; Black earth; Humix… Liều lượng bón theo liều lượng hướng dẫn của sản phẩm.
d. Bổ sung giá thể: Sau khi trồng từ 6 tháng đến 1 năm, vỏ đậu phộng đã mục nát nhiều, hay có nhiều rêu, nên rải bổ sung lớp vỏ đậu phộng mới dày 3 – 5 cm.
e. Phòng trừ sâu bệnh:
– Cách phòng trừ: Vườn lan thiết kế thông thoáng, tránh tưới nước quá ẩm vào chiều tối. Thường xuyên vệ sinh xung quanh vườn lan để hạn chế côn trùng và thông thoáng vườn.
– Cắt bỏ các bông nhỏ ra đợt đầu hoặc cây còi cọc để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.
– Cần kiểm tra sâu bệnh hằng ngày. Nếu xuất hiện bệnh thì phòng trừ ngay và cắt bỏ vết bệnh. Ưu tiên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học để phòng trị.
– Một số bệnh hại thường gặp trên lan Mokara như: Bệnh thối nhũng, bệnh khô đầu lá, bệnh đốm hoa lan, bệnh tuột lá chân.
– Một số côn trùng gây hại trên lan Mokara như: Bọ trĩ, nhện đỏ, rệp, sâu ăn lá, sâu róm, ốc sên…
III. KINH DOANH HOA LAN
Thời gian bắt đầu trồng đến khai thác và kinh doanh hoa lan:
+ Đối với giống Mokara cắt ngọn: Cây cắt ngọn cao khoảng 30 cm sau khi trồng khoảng 12 tháng thì khai thác.
+ Đối với giống Mokara hậu nuôi cấy mô: Sau khi trồng từ 3- 4 năm thì khai thác.
Tùy thuộc vào đặc điểm của từng giống và yêu cầu của khách hàng, nhìn chung khi thấy còn 3 – 5 nụ trên cùng (tùy giống) thì tiến hành thu hoạch. Nên thu hoạch vào sáng sớm hay chiều mát khi hoa đã ráo sương hoặc nước mưa. Hoa sau khi thu hoạch được phân loại sơ bộ, đóng gói và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
IV. HIỆU QUẢ KINH TẾ CỦA CANH TÁC HOA LAN MOKARA CẮT CÀNH TRONG NHÀ LƯỚI
Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang áp dụng “phương pháp tưới phun tự động trong canh tác lan Mokara trên giá thể vỏ đậu phộng trong nhà lưới” đạt được những kết quả nhất định về hiệu quả và nhân rộng mô hình.
– Hiệu quả: Năng suất đạt khoảng: 8 – 12 cành hoa/cây/năm; 1.000 m 2 trồng khoảng 4.000 cây; lợi nhuận: 80 – 150 triệu đồng/1.000 m 2/năm.
– Nhân rộng mô hình: Mô hình “Áp dụng phương pháp tưới phun tự động trong canh tác lan Mokara trên giá thể vỏ đậu phộng trong nhà lưới” được xây dựng cũng là mục tiêu chính của Chương trình “Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất một số loại rau, hoa theo hướng nông nghiệp đô thị” của tỉnh và mô hình này được nhân rộng đến bà con nông dân bằng các hình thức đào tạo, tập huấn, chuyển giao và giới thiệu mô hình trồng lan Mokara cắt cành tại Trung tâm.
Hiện nay và trong tương lai, Trung tâm là đơn vị chuyển giao kỹ thuật canh tác lan Mokara trên giá thể vỏ đậu phộng trong nhà lưới bằng phương pháp tưới phun và cũng là đơn vị nhận lắp đặt nhà lưới, hệ thống tưới phun cho các hộ dân và các đơn vị có nhu cầu.
VƯƠNG THỊ MỸ THANH