Dendrobium là loài lan (genus) đông đảo nhất với hơn 1000 giống (species) nguyên thủy được chia thành 40 nhóm (sections) thuộc giòng dendrobiinae. Loài lan này xuất xứ từ Ấn độ sang đến Á Châu tới quần đảo Tahiti, trên từ Hàn Quốc đến Nhật Bản xuống dưới Châu Úc và Tân tây lan. Vì vậy khí hậu khác nhau cho nên cách trồng cũng khác: về ánh sáng, nước tưới. Trong bài này chỉ nói chung chung về những giống mọc trong những vùng thuộc Đông Nam Á Châu và Việt Nam mà thôi.
Trồng lan Dendrobium
Dendrobium do tiếng La tinh, “dendro” nghĩa là cây, còn chữ “bios” nghĩa là sự sinh sống. Do đó dendrobiumđược hiểu là cây lan sống ở trên cây (epiphytic) hay phong lan. Tiếng Việt thường gọi là lan Hoàng Thảo có lẽ bởi vì trước kia chúng ta không phân biệt giữa loài và giống nên chỉ nhằm vào các cây có hoa mầu vàng mà thôi. Thực ra lan Dendrobium có nhiều mầu sắc và hình thái khác nhau. Hiện nay có nhiều người dùng chữ Đăng lan thay cho Dendrobium như Cát lan cho Cattleya chẳng hạn.
Trồng lan Dendrobium không quá khó, nếu chúng ta nắm được những bí quyết căn bản của loài này và nguồn gốc nguyên thủy của nó. Sau đây là cách trồng của các cây lấy về từ rừng và những cây đã được trồng từ hạt hoặc cấy mô nghĩa là đã được thuần hóa.
Nhiệt độ
Nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tăng trưởng của cây cối, Vào mùa hè nóng nực cây phát triển nhanh hơn cho nên cần nhiều độ ẩm và nước. Phần lớn các cây này thích hợp với nhiệt độ ban đêm vào khoảng 50-60°F (10-16°C) và ban ngày vào 70-90°F (21-32°C) Nếu trời nóng hơn nhiệt độ ở trên chúng ta nên tưới cây thường xuyên hơn, cây sẽ không bị tình trạng căng thẳng (stress) hay nóng cháy.
Ánh Sáng
Ánh sáng rất quan trọng cho cây lan vì nó trực tiếp giúp cho cây tạo ra chất nuôi dưởng cho cây tăng trưởng nhanh. Nếu thiếu ánh sáng cây sẽ yếu mềm và chậm phát triển, không những thế mà có thể làm cho cây không ra hoa được. Nhưng nếu quá nhiều ánh nắng sẽ làm cho cây bị cháy lá hoặc chết cây con.
Nước
Nước rất quan trọng cho cây để tăng trưởng. Vào mùa hè cây cần nước nhiều hơn là mùa đông. Nếu thiếu nước cây sẽ không phát triển và có thể bị chết khô. Nhìn thấy thân cây hoặc lá cây bị nhăn nheo, chúng ta biết là cây bị thiếu nước. Vào mùa hè chúng ta có thể tưới 2 lần một tuần, nếu trồng trong chậu nhựa, còn mùa đông chỉ tưới mỗi tuần một lần là đủ. Tưới quá nhiều cây sẽ bị úng thủy và sẽ bị thối rễ và tạo cho cây dễ bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm rồi chết
Độ ẩm
Độ ẩm cũng rất cần cho cây được phát triển nhanh hơn và hoa cũng tươi tốt và lâu tàn. Trung bình cây cần độ ẩm khoảng từ 40-60% vào ban ngày và từ 60-90% vào ban đêm cây sẽ tươi tốt hơn. Với độ ẩm cao, lá cây và rễ cây sẽ có thể hút hơi nước trong không khí khi cần thiết.
Bón Phân
Đăng lan cần nhiều phân bón vào mùa hè hơn là mùa đông vì mùa hè cây tăng trưởng nhiều hơn Nếu có đầy đủ chất dinh dưỡng cây sẽ mau lớn, ra nhiều hoa và hoa to hơn. Ta nên dùng phân 20-20-20 hoặc 15-15-15 để bón quanh năm và 6-30-30 để kích thích cho ra hoa. Chỉ nên dùng ¼ hoặc ½ thìa cà phê với một gallon (4 lít) nước để tưới cây mỗi tuần. Nếu dùng quá nhiều thì dễ bị cháy lá và cháy rễ cây. Nếu thấy ngọn lá bị cháy đen tức là nhiều phân quá, hãy ngưng bón phân trong 2 tuần rồi mới tưới phân trở lai. Ta cũng nên tưới nước không phân mỗi tháng một lần để rửa hết chất nuối đọng trong chậu.
Thay Chậu
Ta cũng nên thay chậu khi thấy rễ cây mọc ra ngoài và nên thay vào mùa hè cho cây chóng phục hồi hơn. Có thể dùng 70% vỏ cây (fir bark) trộn với 20% vỏ dừa (coconut husk) và 10% đá sốp (perlite). Trước khi trồng ta nên ngâm vỏ cây và vỏ dừa trong nước khoảng 2-3 ngày để cho chất nhựa trong vỏ cây ra hết. Sau đó sẽ ngâm với phân bón, thuốc sát trùng (Physan 20 hoặc Nacosan) và B1 để cho cây chóng hồi phục hơn Trong thiên nhiên cây mọc tốt vì rễ lan chỉ bám vào vỏ cây và khi vỏ cây hoặc lá bị mục thường bị nước mưa hay gió cuốn đi cho nên những rễ lan mọc lòng thòng ra ngoài rất thoáng gió nên không bị thối rễ. Vì chúng ta trồng cây trong chậu nên ít thoáng gió và vỏ cây bị mục lưu lại trong chậu nên rất dễ bị thối.
Rung chuyển
Sự rung chuyển của cây cối trong thiên nhiên cũng rất quan trọng không kém các phần khác. Từ sự rung chuyển nhờ gió hay mưa, những sinh vật chung quanh và âm thanh của các côn trùng cũng như các loài dã thú, tôi tin tưởng rằng cây sẽ sống tốt hơn, ít bệnh tât hơn khi trở về với bản chất thiên nhiên của nó. Có những cây lan rừng khi mang về sẽ không có cách nào mà trồng tốt được như khi còn ở trong thiên nhiên.
Chú ý
Cây lan Den. hercoglossum(hồng câu) sau 1-2 năm sẽ rụng hết lá để ra hoa hay cây non.Hoa sẽ tàn sau 2-3 tuần. Lan chịu nước vào mùa hè, bớt tưới nước vào mùa đông.
Những cây Den. anosmum(dã hạc), lituiflorum, pulchellum, lowianum, finlayanum, heterocarpum, parishii, pieradii, nobile(Thạch hộc), tortile, chrysanthum, wardianumsẽ rụng lá trước và khi đang ra hoa. Cần tưới nhiều nước vào mùa hè và mùa đông thì bớt tưới.
Những cây Den. amabile, chrysotoxum(Kim điệp), farmeri, densiflorum, moschatum(Thái bình), thyrsiflorum(Thủy tiên), brymerianum, fimbriatum, lindleyikhông rụng lá và xanh tốt quanh năm. Những cây thuộc loại này đừng bao giờ để khô.
Những cây lan có thân hình dáng như củ khoai và hoa mầu vàng thường hay bị những con ong vò vẽ và chuột đến viếng thăm, hãy nên cẩn thận.
Tất cả những yếu tố trên đây là điều cần thiết cho cây nói chung và Đăng lan hay Hoàng thảo nói riêng theo kinh nghiệm của tôi. Muốn cho cây hoa được tốt đẹp, lâu bền hơn chúng ta phải học hỏi, nghiên cứu làm sao chỗ chúng ta nuôi trồng có một khí hậu, nước tưới độ, ẩm, ánh sáng, gió vật liệu, phân bón giống như môi trường nguyên thủy của mỗi loại cây. Như vậy quý vị sẽ thành công mỹ mãn trong việc nuôi trồng những giống lan Việt Nam.
Chúc các bạn thành công và cây cối sẽ được nhiều may mắn.