Địa lan được mệnh danh là loài hoa hoàng gia, hoa lan của nhà giàu. Loại hoa này được nhiều người yêu thích bởi không chỉ vẻ đẹp mà cả giá trị kinh tế mà chúng đem lại. Dễ thấy nhất đó là mỗi dịp Tết đến, những chậu địa lan luôn chiếm ưu thế và được săn lùng, nhất là các chậu lan khủng, lạ, độc và đẹp. Để có thể tạo được những chậu lan đẹp-độc-lạ và có giá trị cao, điều đầu tiên mà người trồng địa lan cần quan tâm đó chính là lựa chọn giá thể phù hợp.
Chọn giá thể lan là việc cơ bản nhất khi trồng và chăm sóc địa lan. Công việc này tuy đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm của người trồng. Giá thể cần lựa chọn theo từng loại lan theo từng nhóm: lan đơn thân, lan đa thân và lan đất. Trong đó các loại giá thể địa lan được các chuyên gia khuyên dùng phổ biến như:
1. Dớn dương xỉ
Loại giá thể này được làm từ dớn đá, dớn cù lần và dớn dương xỉ.
Dớn đá có độ bền rất cao, trên 4-6 năm. Cách tốt nhất khi dùng loại dớn này đó là chặt vụn 1-2cm rồi cho chậu, là điều kiện tuyệt với cho địa lan sinh trưởng.
Dớn cù lần: loại này có bộ rễ tương đối ít và có lông tơ rất mịn, độ bền khoảng 3-4 năm. Dớn cù lần chủ yếu được băm vụn hoặc trộn cùng với vỏ thông cỡ nhỏ để cho vào chậu.
Dớn sợi: có bộ rễ nhiều, giữ nước khá tốt. Chúng được sử dụng bằng cách cắt khúc, xẻ bảng hoặc băm nhỏ cho vào chậu.
2. Vỏ thông
Nhìn chung các loại vỏ cây đều có thể dùng để trồng lan được, tuy nhiên khi sử dụng vỏ thông sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn vì nó có độ bền tốt nhất. Ưu điểm của vỏ thông đó là chúng có chưa chất Resin sát khuẩn cao, hạn chế mầm bệnh, nấm và rong rêu có hại cho cây. Nguyên tắc dùng giá thể vỏ thông đó là rễ lan nhỏ thì phải dùng vỏ thông nhỏ.
3. Dùng xơ dừa làm giá thể cho địa lan
Xơ dừa có đặc tính là giữ ẩm rất tốt, tiết kiệm thời gian và công sức tưới nước. Vì vậy loại giá thể lan này không chỉ cung cấp môi trường sống tốt nhất cho cây địa lan mà còn giúp người trồng bớt được khá nhiều công sức và thời gian chăm sóc.
Để làm giá thể lan từ xơ dừa, bạn có thể dùng xơ dừa mua sẵn hoặc tự làm từ quả dừa khô. Độ bền của xơ dừa đạt 2-3 năm. Khi sử dụng loại giá thể này cần lưu ý lượng nước vừa phải vì xơ dừa không có độ thoáng tốt, có thể gây úng rễ.
4. Giá thể trồng địa lan từ vỏ lạc, trấu, mùn cưa, vỏ cà phê
Các loại giá thể này có ưu điểm là dễ tìm, dễ mua, tuy nhiên cần được xử lý trước khi sử dụng để trồng lan.
Vỏ lạc: có độ bền tương đối, khoảng 2 – 3 năm. Vỏ lạc chứa rất giàu đạm do đó bạn cần ngâm nước vôi, rửa sạch rồi đem trồng.
Vỏ cà phê, trấu: bạn chỉ cần rửa qua bằng nước sạch để loại bỏ các tạp chất, bụi bẩn.
Mùn cưa: thường dùng mùn cưa gỗ như vú sữa, dẻ, nhãn,…: Mùn cưa dễ kiếm nhưng độ bền lại không được cao, chỉ dùng được khoảng 2 năm trở xuống. Trước khi sử dụng, tiến hành ngâm nước vôi và rửa lại bằng nước sạch.
Kỹ thuật trồng Địa lan có ưu điểm đó là hầu hết đều khá dễ trồng, sử dụng được nhiều loại giá thể khác nhau. Tuy nhiên dù chọn giá thể nào cũng cần đảm bảo các lưu ý như sau:
Giá thể cần có được độ ẩm vừa phải (khoảng 50-80%)
Phải có độ khô thoáng, không quá bí
Địa lan chủ yếu được trồng chậu do đó cần thiết kế đáy chậu có độ thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng.
Ngoài việc chọn loại giá thể phù hợp với từng giống địa lan thì người trồng địa lan còn cần cân nhắc chọn giá thể phù hợp với đặc điểm khi hậu tại vườn trồng. Lựa chọn giá thể tốt là điều kiện tiên quyết để tạo được sản phẩm lan sinh trưởng tốt, đạt giá trị cao như mong muốn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn chọn được loại giá thể tốt nhất và phù hợp nhất góp phần đem lại thành công khi trồng và chăm sóc địa lan.